Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

Srí của người Tây Nguyên

Trong cách gọi của đồng bào dân tộc Tây Nguyên, cặp nhẫn cưới là Srí. Khác với cách làm nhẫn của người Kinh, những cặp Srí mang một sức mạnh huyền bí, vừa kết nối, vừa như một lời thề về hạnh phúc gia đình khi người con gái đã hoàn thành thủ tục bắt chồng.

 
Đồng bào Tây Nguyên luôn tồn tại một quan niệm con trâu là một con vật linh thiêng mang sức mạnh và sự đầm ấm, sung túc, còn con ong mang biểu tượng của lòng kiên trì, miệt mài lao động. Vì vậy chất liệu chính góp phần vào quá trình hoàn thành những cặp Srí này ngoài bạc là sáp ong và phân trâu - thường là trâu đực có trên 3 tuổi cùng một ít đất sét lấy từ nơi bí mật trong những khu rừng già vào những ngày đầu xuân. Hợp chất này trộn lẫn vào nhau làm khuôn nhẫn. Người dân tộc không phải dùng nhiều đồ nghề trong quá trình làm nhẫn mà chỉ sử dụng một thanh sắt nhỏ mài sắc, nhọn để chạm khắc và các dụng cụ từ gỗ rừng.

Để có một cặp nhẫn cưới hoàn hảo các nghệ nhân dân tộc cũng phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ: Lấy sáp ong nấu chảy, trộn phân trâu rồi dùng que gỗ tròn bằng những ngón tay nhúng vào, chờ khô rút que gỗ ra, sáp ong và phân trâu khô quánh thành những ống tròn, nghệ nhân cắt thành những khuyên tròn để làm khuôn đúc nhẫn. Sau khi bạc đã được đun nóng chảy thì đổ vào khuôn. khi đó sáp ong và phân trâu trước sức nóng của bạc mới nấu chảy sẽ dính chặt vào bạc thành một lớp men bên ngoài chiếc nhẫn. Khuôn đúc nhẫn có hai loại: Loại nhỏ để đúc nhẫn mái cho người phụ nữ; loại to đúc nhẫn trống dành cho người con trai.

Trong quá trình đánh bóng và chạm trỗ, nghệ nhân dùng nước bồ kết hoặc nước lá cây kơnia đun sôi để rửa và gửi gắm ước vọng mái tóc sẽ lâu bạc màu, cũng có thể bỏ những cặp nhẫn vào nước bồ kết đun để bắt đầu một ước vọng: Mùa xuân vĩnh hằng. Đêm trước khi bắt tay vào đúc nhẫn, người thợ phải tắm rửa sạch sẽ bằng nước một loại lá thơm hái trong rừng đồng thời phải cách ly, không được gần gũi vợ. Chiếc nhẫn chỉ được làm trong thời gian từ 4 giờ đến 8 giờ sáng vì đây là giờ đẹp, giờ thiêng cho sự gắn kết lứa đôi. Đặc biệt, những cặp Srí được làm trong đêm 30 Tết sẽ mang cúng Yàng (trời) sáng tinh mơ mùng một Tết để cầu mong sự phồn thực và sinh sôi của buôn làng. Sau khi cúng Yàng, những cặp Srí này sẽ được trao cho những thiếu nữ ưu tú nhất làm tín vật mang đi bắt chồng. --> Tim hiểu lễ hội bắt chồng của người Tây Nguyên
 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét