Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

Srí của người Tây Nguyên

Trong cách gọi của đồng bào dân tộc Tây Nguyên, cặp nhẫn cưới là Srí. Khác với cách làm nhẫn của người Kinh, những cặp Srí mang một sức mạnh huyền bí, vừa kết nối, vừa như một lời thề về hạnh phúc gia đình khi người con gái đã hoàn thành thủ tục bắt chồng.

 
Đồng bào Tây Nguyên luôn tồn tại một quan niệm con trâu là một con vật linh thiêng mang sức mạnh và sự đầm ấm, sung túc, còn con ong mang biểu tượng của lòng kiên trì, miệt mài lao động. Vì vậy chất liệu chính góp phần vào quá trình hoàn thành những cặp Srí này ngoài bạc là sáp ong và phân trâu - thường là trâu đực có trên 3 tuổi cùng một ít đất sét lấy từ nơi bí mật trong những khu rừng già vào những ngày đầu xuân. Hợp chất này trộn lẫn vào nhau làm khuôn nhẫn. Người dân tộc không phải dùng nhiều đồ nghề trong quá trình làm nhẫn mà chỉ sử dụng một thanh sắt nhỏ mài sắc, nhọn để chạm khắc và các dụng cụ từ gỗ rừng.

Để có một cặp nhẫn cưới hoàn hảo các nghệ nhân dân tộc cũng phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ: Lấy sáp ong nấu chảy, trộn phân trâu rồi dùng que gỗ tròn bằng những ngón tay nhúng vào, chờ khô rút que gỗ ra, sáp ong và phân trâu khô quánh thành những ống tròn, nghệ nhân cắt thành những khuyên tròn để làm khuôn đúc nhẫn. Sau khi bạc đã được đun nóng chảy thì đổ vào khuôn. khi đó sáp ong và phân trâu trước sức nóng của bạc mới nấu chảy sẽ dính chặt vào bạc thành một lớp men bên ngoài chiếc nhẫn. Khuôn đúc nhẫn có hai loại: Loại nhỏ để đúc nhẫn mái cho người phụ nữ; loại to đúc nhẫn trống dành cho người con trai.

Trong quá trình đánh bóng và chạm trỗ, nghệ nhân dùng nước bồ kết hoặc nước lá cây kơnia đun sôi để rửa và gửi gắm ước vọng mái tóc sẽ lâu bạc màu, cũng có thể bỏ những cặp nhẫn vào nước bồ kết đun để bắt đầu một ước vọng: Mùa xuân vĩnh hằng. Đêm trước khi bắt tay vào đúc nhẫn, người thợ phải tắm rửa sạch sẽ bằng nước một loại lá thơm hái trong rừng đồng thời phải cách ly, không được gần gũi vợ. Chiếc nhẫn chỉ được làm trong thời gian từ 4 giờ đến 8 giờ sáng vì đây là giờ đẹp, giờ thiêng cho sự gắn kết lứa đôi. Đặc biệt, những cặp Srí được làm trong đêm 30 Tết sẽ mang cúng Yàng (trời) sáng tinh mơ mùng một Tết để cầu mong sự phồn thực và sinh sôi của buôn làng. Sau khi cúng Yàng, những cặp Srí này sẽ được trao cho những thiếu nữ ưu tú nhất làm tín vật mang đi bắt chồng. --> Tim hiểu lễ hội bắt chồng của người Tây Nguyên
 



Tim hiểu lễ hội bắt chồng của người Tây Nguyên

Tây Nguyên có khá nhiều lễ hội như: Lễ rước hồn lúa của người M’nông, lễ cúng bến nước của đồng bào Êđê, hội đua voi... nhưng trong đó có một lễ hội khá thú vị tên là “Lễ Hội Bắt Chồng


Khi cái lạnh sâu cùng những cơn gió hanh hao của mùa đông tràn về cũng là lúc khắp các thôn bản của đồng bào Chu Ru, Cil, Cơ Ho… ở Tây Nguyên rộn rã bước vào mùa cưới – mùa bắt chồng. Mùa bắt chồng phải diễn ra ban đêm, bắt đầu từ mùng một Tết âm lịch cho đến hết tháng ba.

Khi thích một chàng trai nào đó, cô gái về thông báo cho gia đình và dòng họ biết. Gia đình sẽ đến nhà trai hỏi dạm. Nếu cả hai dòng họ đồng ý, cô gái sẽ đến đeo nhẫn vào tay người con trai vào một đêm đẹp trời. Trường hợp người con trai không thích có thể trả lại nhưng đến 7 ngày sau, cô gái lại chọn một đêm đẹp trời đến đeo nhẫn cho chàng trai và cứ thế lặp đi lặp lại cho đến khi chàng trai chấp nhận.

Trước khi cưới một ngày, buôn làng tổ chức một đêm hội gọi là "Đêm hội bắt chồng". Trong đêm hội này, chàng trai và cô gái phải đọc một số câu luật tục riêng của đồng bào mình, có một số câu luật độc đáo như: "Tìm vợ, tìm chồng phải hỏi mẹ cha; ăn ruộng, ăn rẫy phải hỏi tai con trâu, con bò; làm bẫy phải hỏi thần núi; về với vợ như về với nước...". Ngày cưới chàng trai và cô gái rút nhẫn ra hôn nhẫn và đeo lại cho nhau. Sau lễ cưới 7 ngày, cô gái tháo nhẫn đưa mẹ chồng cất giữ và ngược lại nhẫn chàng trai do mẹ cô gái cất giữ.

Một phong tục độc đáo của đồng bào Tây Nguyên, khi vợ chồng xảy ra mâu thuẫn nếu ai đề nghị ly hôn trước thì người đó phải "đền" một con trâu đực. Đồng thời sau lễ bắt chồng ai chung chạ, ngoại tình với người khác thì kẻ phản bội phải đền ba con trâu đực và số trâu sẽ tăng lên nếu ngoại tình nhiều lần. Đây cũng được xem như một luật tục riêng làm tăng tính gắn kết trong cuộc sống vợ chồng. Bởi lễ bắt chồng còn được các đồng bào xem là việc đại sự và Srí là tín vật chung cho hai dòng họ.

Xem thêm: Tục ăn "trầu" ở Tây Nguyên


Thứ Tư, 21 tháng 9, 2011

Đến với Thác Voi - Tây Nguyên

Tây Nguyên không chỉ có cà phê, có "cái nắng", " cái gió" mà còn ôm trong mình những con thác to lớn, nguyên sơ, hoang dại. Với phong cảnh được thiên nhiên ưu đãi và còn đầy vẻ hoang sơ, thác voi còn được coi là một trong những thác đẹp của Tây Nguyên

Thác Liêng Rơwoa hay còn gọi là Thác Voi với chiều cao hơn 30m, rộng chừng 15m, nằm ở thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, cách thành phố Đà Lạt 25km về hướng tây nam.


Từ trên đỉnh thác ở độ cao 35m nhìn xuống ai cũng muốn đến được chân thác - nơi có những khối đá lô nhô, những thảm thực vật xanh mượt và những hang động kỳ thú. Muốn xuống được nơi đó phải trải qua một đoạn đường “chinh phục”. Bước xuống hơn 150 bậc đá, mỗi bậc là một góc độ, như một cảnh quay chậm của dải lụa trắng rộng 40m cùng ta cuốn xuống thấp, vô tận, không dứt. Hơi nước cuộn lên màn khói, hư ảo mà lại như cầm nắm và cảm nhận được rất rõ. Đến chân thác, bám theo dây leo rừng, bước lên những tảng đá lô nhô ra ngoài mặt nước. Tạo hóa thật khéo sắp đặt, 7 – 8 “con voi” (tảng đá) khoác trên mình tấm “áo choàng” xanh mướt của những thảm cỏ trông như đàn voi đang chen nhau tắm suối. Ngồi trên “lưng voi”, dưới chân là dòng nước cuộn chảy qua các ngóc ngách đá, nhìn lên dòng thác - hiện lên trong mắt là một vẻ đẹp tuyệt vời.
Chiêm ngưỡng thác Voi từ nhiều góc độ mới thấy hết vẻ đẹp hoang sơ kỳ vĩ của nó, nhưng nhìn từ chân thác nhìn lên là vẻ đẹp hoàn hảo nhất. Nước tuôn xối xả qua sườn núi đá hoa cương ánh lên bảy sắc phản chiếu dưới ánh sáng xiên của mặt trời buổi sớm. Khói tỏa, sương bay như lạc vào miền thần tiên.
Những khối đá lô nhô nơi chân thác cũng tạo ra những hang động là nơi trú ngụ của những đàn dơi lớn, có hang sâu đến 50m với vách đá sừng sững, hang Gió vi vút sáo trời… phía sau lưng là dòng thác khổng lồ trút nước. Hơi nước, bụi nước từ dòng thác bay mù mịt, bao phủ khiến đi dưới thảm thực vật, hay đi trong hang đá, những giọt nước đọng trên lá cây ngọn cỏ cứ lộp bộp trên đầu làm ta có cảm giác mưa rừng suốt quanh năm. Dù đã được đầu tư xây dựng nhưng hành trình chinh phục chân thác cũng lắm gian nan. Vừa đi, lại vừa leo trèo, có khi phải leo lên một khối đá lớn, rồi đổ xuống phía bên kia tảng đá, tay bám vào bất cứ thứ gì có thể để làm điểm tựa. Nhưng chính vẻ đẹp nguyên sinh đó, trong không gian tĩnh mịch, giữa bốn bề là rừng cây, núi đá, tiếng thác đổ đã tạo nên điều kỳ thú, hấp dẫn.
Bên cạnh vẻ đẹp quyến rũ, thơ mộng, thác Voi từng là cứ địa cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp - Mỹ. Mới được tôn tạo thành điểm tham quan du lịch trong những năm gần đây, song thác Voi nhanh chóng được công nhận là di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia.
Trên đường khám phá Thác Voi, du khách ghé thăm các cơ sở ươm tơ nuôi tằm của người dân Nam Ban. Vào mùa Cà phê trổ bông, ta thấy trắng xoá cả một vạt đồi và hương thơm ngào ngạt của hoa cà phê.

>> Tour cà phê - Mùa hoa cà phê

Thứ Ba, 20 tháng 9, 2011

Thưởng thức rượu cần Tây Nguyên

Bạn đã bao giờ uống rượu cần Tây Nguyên chưa? Và đặc biệt, khi nào bạn ngất ngây trong men rượu cần thì khi đó bạn mới hiểu rượu cần Tây Nguyên đặc biệt thế nào.

Rượu cần hiện nay được xem là thức uống “đặc sản” của đồng bào Tây Nguyên. Trong bất cứ lễ, tết nào, đồng bào Tây Nguyên cũng đều có nghi thức uống rượu cần. Rượu cần là một thức uống không thể thiếu được trong các lễ hội cũng như dùng để tiếp đãi khách quý. Bởi theo quan niệm tâm linh cho rằng, rượu của họ là do Giàng (trời) bày cho cách làm, mỗi khi cúng Giàng hoặc tế lễ thần linh phải có rượu cần thì lời cầu nguyện mới linh nghiệm.

Ðể có được ché  rượu cần thơm ngon phải thực hiện qua nhiều công đoạn như chuẩn bị men, vò sành, vật liệu làm rượu... Nhiều dân tộc Tây Nguyên làm rượu bằng cách dùng nếp cẩm hoặc nếp trắng nấu thành xôi, phơi bằng nong cho nguội rồi trộn men vào cho ủ kín. Men rượu làm bằng củ riềng, rễ cam thảo và củ cây chít, phơi khô – sau đó đem giã nhuyễn thành bột đem trộn với gạo. Cho một ít nước vào rồi nắm lại thành một nắm lớn bằng cái bát (chén), ủ cho đến khi lên mốc trắng là được. Khi đã lên men, trộn thêm trấu để sau này dùng cần hút dễ hơn. Tất cả cho vào ché đựng rượu theo nguyên tắc xếp lớp, cứ một lớp nguyên liệu lại một lớp trấu. Sau cùng người ta bịt miệng ché bằng lá chuối khô. Rượu ủ ba ngày là có thể dùng được, tuy nhiên ủ càng lâu rượu càng có độ nồng cao và càng thêm đậm đà. Việc trộn trấu đòi hỏi cũng cần có tay nghề vì trấu có tác dụng khi cắm cần vào ché rượu, cần rượu không bị tắc. Rượu ngon là loại rượu có màu vàng đục như mật, khi rót ra dòng chảy không bị đứt đoạn, sờ vào thấy hơi dính, có mùi thơm ngây ngất, cay nồng xen lẫn với vị ngọt rất đặc trưng.

 
Tây Nguyên đi vào các buôn làng hầu như nhà nào cũng có vài ché rượu cần để đãi khách đến. Khi uống rượu, chủ nhà đem ché ra mở nắp bỏ lớp lá đậy trên miệng, đổ đầy nước, để chừng nữa giờ đồng hồ cho rượu ngấm. Sau đó chủ nhà nếm trước một ngụm nhỏ xem thử rượu đạt chất lượng chưa rồi nâng cần trao cho khách. Vì rượu cần uống không rót ra ly nên khi uống người Tây Nguyên cũng có cách để biết ai có uống rượu khi cầm cần hút bằng cách ai uống xong một hơi thì rót vào đó một ca nước, người tiếp theo uống mà rót vào ca nước như vậy bị dư ra nghĩa là người trước đó uống chưa đủ lượng rượu của mình.

Ngoài ra để tính công bằng về lượng rượu cho mỗi người, còn có thể dùng một cành cây gác ngang miệng ché, có nhánh cắm xuống mặt nước một đoạn chừng một phân. Khi người uống hút rượu, mực nước thấp xuống, đến đoạn đầu nhánh cây là đủ phần mình. Người Tây nguyên mời rượu tinh tế, dù cho bạn có tửu lượng kém đến đâu cũng không thể từ chối uống một hơi, nhất là khi gia chủ đã cầm sẵn ca nước trong tay, mắt nhìn khách chân thành và tha thiết.

Rượu cần rất dễ uống, có vị ngọt ngọt nhưng cái say của nó không giống cái say của bất cứ loại rượu bia nào. Chất men thơm nồng làm cho người uống lâng lâng ngay ngất, và kỳ lạ là dẫu say nhưng vẫn cứ uống được mãi đến vô tư. Uống rượu cần không chỉ là thưởng thức rượu mà còn thể hiện văn hóa giao tiếp của mỗi người với nhau khi ngồi xung quanh ché rượu.

Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2011

Du lịch Tây Nguyên thưởng thức cà đắng

Tây Nguyên không chỉ nổi tiếng với rượu cần, những đồn điền cà phê, điều, tiêu… mà còn được biết đến với một món ăn đặc trưng rất hấp dẫn là cà đắng. Khi đi du lịch Tây Nguyên, bạn phải một lần nếm món cà đắng của đồng bào dân tộc nơi đây, bạn mới “thấm” cái giản dị, mộc mạc mà thành “miếng ngon nhớ lâu” trong tâm thức của nhiều người.


Cà đắng là một loại cà dại vốn mọc nhiều trong rừng, trên nương rẫy của người đồng bào các dân tộc Tây nguyên. Quả cà đắng to hơn cà pháo và thường hơi dài ra, quả có màu xanh đặc trưng , cuống quả lại có gai nhọn nên cũng dễ nhận biết.

Quả cà đắng dùng để làm các món ăn tuy dân dã nhưng lại được người tây nguyên rất hâm mộ, chính vì vậy cà đắng hiện được trồng đại trà trong vườn nhà, vườn rẫy để thu hái quả quanh năm và bán đầy cả chợ lớn Buôn Ma Thuột

Loại cà này có thể ăn sống nên trở thành món ăn khá hấp dẫn với những ai thích vị đắng. Bạn hãy thử cắn một miếng để nghe vị đắng tứa vào chân răng và cảm nhận cái nghe vị giòn ngọt ùa đến ngay sau đó. Cà đắng có mặt trong nhiều món ăn trong bữa cơm người dân tộc như cà đắng nấu với cá khô, cá hấp hoặc tôm tép khô, cà đắng nấu ốc v..v... Nếu mạnh miệng qua được đũa đầu tiên của những món cà đắng, bạn sẽ “nghe” được vị ngọt đằm thắm hòa với vị ngọt, vị mặn của cá khô, của tôm tép và vị cay xé lưỡi tạo nên một khẩu vị rất lạ, rất riêng của núi rừng.

Riêng với người Ban mê thì rất thích đãi khách bằng món này nên thỉnh thoảng còn cho cà đắng kết duyên cùng cá hộp, thịt hộp, thịt ba chỉ, da heo hay lòng gà, lòng vịt theo cách nấu của người kinh cho dễ ăn và hợp với khẩu vị của những người mới ăn.

Hiện nay, cà đắng cũng rất phổ biến trong thực đơn các nhà hàng ở vùng Tây nguyên và hấp dẫn bao thực khách. Nếu có dịp đến với vùng đất này bạn hãy thử một lần món cà đắng, chắc chắn sự hấp dẫn của nó sẽ làm bạn nhớ mãi. --> chương trình các tour du lịch Tây Nguyên

Thứ Tư, 14 tháng 9, 2011

Thuyền độc mộc - Tây Nguyên

Thuyền độc mộc là một dạng thuyền truyền thống có lịch sử từ lâu đời; có những chiếc thuyền cổ tại Đức đã được giới khảo cổ phát hiện và định tuổi vào khoảng thời đại đồ đá. Cho đến nay, thuyền độc mộc vẫn đước sử dụng ở nhiều nơi trên thế giới và ở Việt Nam. Đặc biệt, đây là một nét văn hoá rất đặc sắc lại là một công cụ lao động gần gũi hằng ngày của đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống trên lưu vực các con sông và các hồ ở vùng cao như Tây Nguyên, Tây Bắc.

Thuyền độc mộc của người Ê Đê
Thuyền độc mộc có lẽ do bắt nguồn từ việc người ta lợi dụng những thân cây nguyên vẹn có sức nổi để phục vụ nhu cầu di chuyển. Về sau thân cây đã được đẽo gọt để thêm sức nâng và bớt lực cản của nước khi di chuyển.

Thuyền độc mộc được đục từ một thân cây lớn gỗ lớn nguyên vẹn, thường là những loại cây gỗ chịu nước và có tỉ trọng nhỏ so với nước như gỗ sao...

Người chế tác dùng rìu đẽo rỗng phần ruột cây và tạo hình thuyền theo hình dáng định sẵn; trước khi các vật dụng bằng kim loại được chế tạo, thân cây được đục rỗng bằng cách đốt. Thường là mỗi dân tộc lại có một kiểu thuyền truyền thống. Làm thuyền độc mộc rất khó vì phần vỏ phải mỏng nhưng thuyền vẫn phải chắc để có thể chịu đựng sức đập của các thác, các sóng (đặc biệt là sóng biển) vì vậy cần có sự khéo tay và tỷ mỉ, kì công nên ít người làm được. Đẽo thuyền là một công việc nguy hiểm. Có lẽ vì vậy mà trong mỗi con thuyền đều chất nặng tâm linh… Khi người thợ đẽo thuyền đang ở rừng, người vợ ở nhà phải kiêng các việc bổ củi, cuốc đất; không được tắm rửa, gội đầu và nhất là không được làm rượu cúng Yàng...

Với những người thợ, khi chọn được cây gỗ ưng ý và hạ nó xuống phải cúng Yàng lần 1. Khi con thuyền đã hoàn thành và hạ thủy an toàn thì cúng Yàng lần 2 để tạ ơn. Lễ vật cho mỗi lễ cúng đơn giản cũng phải con gà, ghè rượu...

Làm thuyền, người thợ chỉ được sử dụng một chiếc rìu duy nhất. Gỗ dùng làm thuyền được chọn là cây sao xanh, có đường kính từ một người ôm trở lên; dài từ 5-6m, không chà ngạnh. Hạ được cây xuống rồi, người ta tiến hành đẽo thuyền ngay tại rừng, vừa đẽo vừa đốt lửa hong. Một con thuyền cỡ trung bình, người thợ phải ở rừng tối thiểu là nửa tháng.

Việc khó nhất của họ là phải làm sao cho con thuyền khi xuống nước nổi đều (không được phép sửa chữa khi đã hạ thủy). Để được như vậy, người thợ làm thuyền có một cách khá là huyền bí: Họ lật úp thuyền xuống, đặt một quả trứng gà theo chiều đứng vào chính giữa lưng thuyền. Nếu quả trứng không đổ thì chiếc thuyền khi xuống nước sẽ không nghiêng lệch...

Mỗi chiếc thuyền hạ thủy là một ngày hội đối với mỗi làng. Người có gà góp gà, người có rượu góp rượu cùng với gia chủ hình thành một bữa tiệc cộng đồng. Cùng với những lời chúc tụng, người thợ làm thuyền sẽ được gia chủ mời rượu trước tất cả mọi người như một phần thưởng và sự tôn vinh tài năng...

Thứ Năm, 8 tháng 9, 2011

Cẩm nang du lịch Tây Nguyên cho bạn

Tháng 12 dương lịch là thời điểm lý tưởng để du khách đến Tây Nguyên bởi lúc này nơi đây diễn ra nhiều lễ hội và là mùa hoa dã quỳ nở vàng rực trên đất đỏ bazan. Trong cái se lạnh chớm thu sang đông, hoa dã quỳ càng tôn vẻ đẹp của một vùng đất vẫn còn kỳ bí nên dã quỳ còn được ví là hoa báo đông (Xem hình ảnh về hoa dã quỳ).


Đi Tây Nguyên mà không uống rượu cần thì coi như chưa tới Tây Nguyên. Nhưng mỗi dân tộc ở Tây Nguyên lại có văn hóa uống rượu cần khác nhau mà du khách cần tìm hiểu. Người dân Xêđăng có lệ: Trước khi uống rượu chủ nhà đặt gan gà thái miếng lên tai ghè rồi khấn thần linh. Già làng luôn là người uống đầu tiên. Thường khách được mời cầm cần đầu tiên, nhưng khách nên mời già làng và chủ nhà uống trước. Với người H’Rê, khi mọi người đã ngồi quanh ghè rượu, chủ nhà đứng dậy, rút một cọng tranh trên mái nhà cắm vào ghè rượu (tượng trưng cho việc mời trời và tổ tiên uống trước), sau đó đổ nước. Nếu chủ nhà đổ nước đầy miệng ghè, đó là cách tỏ ý kính trọng khách. Khách phải uống hết phần rượu mời mới là quý nhau. Thông thường, mỗi cuộc rượu có một người điều hành được cử ra. Cần phải được liên tục chuyển từ người này sang người khác. Ai không uống phải dùng ngón tay cái bịt đầu cần.

Du khách còn nên biết được nhiều phong tục khác. Nhà Dài Êđê có hai cầu thang, một là cầu thang Cái dành riêng cho phụ nữ và khách quý lên xuống. Đỉnh của cầu thang được đẽo giống như mũi con tàu, phíadưới có một vầng trăng khuyết và bộ ngực phụ nữ tượng trưng cho chế độ mẫu hệ. Cầu thang Đực thường nhỏ hơn rất nhiều và được đặt cách xa phía bên trái dành cho những người đàn ông trong gia đình lên xuống. Thường bậc của 2 loại cầu thang trên có số lẻ: 3,5,7 (người Êđê thích nhất con số 7). Nếu du khách muốn biết gia đình nào có bao nhiêu con gái, hãy nhìn vào cửa sổ: nhà nào có bao nhiêu cửa sổ thì có bấy nhiêu con gái. Cửa sổ đóng kín nghĩa là cô gái ấy chưa “bắt chồng”, còn cửa sổ nào mở rộng có nghĩa là cô gái ấy đã “bắt chồng”.
 
 

Tây Nguyên có nhiều đường dốc đồi núi. Khi đi du lịch, du khách nên mang theo giày thấp, mềm và có nhiều gai để bám chắc khi leo. Khi leo núi, bạn nên đi 2 đôi vớ, 1 vớ mỏng bên trong (không nên đi vớ nilông hay vớ giấy bên trong) mà nên đi vớ mềm thấm mồ hôi và 1 đôi vớ dài bên ngoài để trùm lên quần tránh muỗi. Sử dụng 2 đôi vớ sẽ giảm độ cọ của giày và chân, tránh làm phồng rộp da chân. Du khách cũng nên chọn loại quần áo dễ thấm mồ hôi và thoải mái khi di chuyển

Thứ Hai, 5 tháng 9, 2011

Đến thăm Đắk Nông - Tây Nguyên

Đắk Nông là một tỉnh ở Tây Nguyên được thành lập từ năm 2004. Phía Bắc tỉnh Đắk Nông giáp Đắk Lắk, phía Đông và Đông Nam giáp tỉnh Lâm Đồng, phía Tây giáp tỉnh Bình Phước và Campuchia.


Đắk Nông nằm ở phía Trung Bộ, đoạn cuối dãy Trường Sơn, trên một vùng cao nguyên, độ cao trung bình 500 m so với mặt biển. Địa hình tương đối bằng, có bình nguyên rộng lớn với nhiều đồng cỏ trải dài về phía Đông. Phía Tây địa hình thấp dần, nghiêng về phía Campuchia, phía Nam là miền đồng trũng có nhiều đầm hồ.

Một số thắng cảnh tại Đắk Nông

1. Thác Diệu Thanh

Thác Diệu Thanh nằm trên dòng suối Đắk Tít, là danh giới tự nhiên phân cách giữa hai xã Nhân Cơ và Quảng Tân, huyện Đắk R'Lấp, tỉnh Đắk Nông.


Đặc điểm: Thác Diệu Thanh đẹp, hoang sơ và thơ mộng. Ngoài thác lớn nhất từ độ cao khoảng 30m đổ xuống vực sâu, Diệu Thanh còn có nhiều dòng thác nhỏ, cùng thác mẹ, nước đổ xuống suối quanh năm tung bọt trắng xoá. Dưới chân ngọn thác là cả một khoảng rộng mênh mông nước có nhiều mô đá nhỏ nhấp nhô, tạo thành hàng trăm dòng chảy ra nhiều hướng. Hai bên bờ suối là những bãi đất bằng phẳng có nhiều cây xanh toả bóng mát.

2. Nam Nung


Đắk Nông là tỉnh có bề dày truyền thống văn hóa và di tích cách mạng nên việc phát triển du lịch văn hóa sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng đang được tỉnh chú ý đầu tư phát triển. Quần thể di tích căn cứ kháng chiến Nam Nâm Nung đang được đánh giá là một điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch khi đến Đắk Nông.

Quần thể di tích Nam Nâm Nung (thuộc khu căn cứ kháng chiến Nâm Nung) đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử Quốc gia tại Quyết định số 10/2005-QĐ-BVHTT. Điều đó càng làm tăng thêm ý nghĩa văn hoá, lịch sử cho vùng và tăng phần hấp dẫn cho khách du lịch muốn tìm hiểu về văn hóa và truyền thống cách mạng của Đắk Nông.

Nam Nâm Nung có diện tích hơn 30 km², kéo dài từ phía Tây Bắc địa bàn xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong đến Lâm trường Đắk N'tao và Khu bảo tồn Thiên nhiên Nâm Nung. Hầu hết rừng ở đây vẫn còn là nguyên sinh. So với Bắc Nâm Nung thì động thực vật ở khu vực Nam Nâm Nung có phần phong phú hơn, phổ biến là các loại gỗ như Kiền Kiền, Sao, Bạch Tùng, Dẻ, Du Sam, Trâm, Chò Xót... Động vật như: nai, gà, lợn, khỉ, chồn, gấu, trâu...

Quần thể khu di tích bao gồm hai địa điểm Tỉnh ủy và Tỉnh đội Quảng Đức cũ. Khu căn cứ Tỉnh đội nằm ở phía Tây Nam Dình Dứa, dưới chân đồi Yok K’Lé Lay. Vành đai ngoài khu vực Tỉnh uỷ hiện tại vẫn còn những vết tích hầm, hào hình chữ Z, bếp Hoàng Cầm và những dấu tích địa dư mà các chiến sỹ trước đây phát rẫy trồng màu (lúa, ngô, khoai, sắn...). Vào bên trong vành đai là trung tâm của Tỉnh đội (1968-1971), nơi đây như một quần thể kết cấu của nhà và hầm nối tiếp nhau. Từ trên đồi (phía Nam) đi xuống (theo hướng Bắc), khách tham quan sẽ được thấy vết tích hầm của Tỉnh ủy, có độ dài 2,5m, rộng 0,9m, hầm làm theo kiểu chữ Z để tiện cho việc đi lại - một cửa vào và một cửa ra. Tiếp là căn nhà ở và làm việc từ 1968-1969 của đồng chí Bùi Đức Thành (Năm Nhân) Tỉnh đội trưởng, và sau đó là đồng chí Nguyễn Văn Thanh, Tỉnh đội trưởng ở và làm việc từ 1969-1971. Từ căn cứ Tỉnh đội theo hướng Bắc khoảng 3,5km đường chim bay là tới căn cứ Tỉnh ủy thuộc khu vực suối Đắk Điên Clou, được bao bọc bởi hai phụ lưu (nhánh nhỏ) suối Đắk Điên Clou ở phía Bắc và Đông Nam. Khi đến nơi đây khách tham quan sẽ được thấy nền nhà Tỉnh ủy nằm tựa lưng vào hai tảng đá lớn phủ đầu rêu xanh bên lề con suối (phụ lưu phía Nam). Trước đây nhà là nơi ở và làm việc của đồng chí Trần Phòng (bảy Biên) - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Đức, nền nhà có diện tích 12m², làm bằng gỗ, lợp lá mây hai mái, mặt hướng về phía Bắc.

Nằm về phía Tây Bắc khoảng 30m là căn hầm tự nhiên trong vách đá, phía trên hầm được phủ một tảng đá lớn, có sức chứa từ 8 đến 10 người, mặt hầm hướng về phía Bắc nằm cạnh kề phụ lưu suối Đắk Điên Clou (nhánh phía Bắc) về hướng Đông chừng 50m, khách tham quan sẽ tận mắt nhìn thấy một ngọn thác nhỏ sinh xắn và thơ mộng, có độ cao từ 3,5-4m. Hội trường, nơi tổ chức Đại hội Tỉnh ủy tỉnh Quảng Đức lần thứ nhất (2-9-1969) nằm tựa lưng vào dòng chảy của thác. Hội trường có diện tích 84m², làm bằng gỗ, lợp lá mây, hai mái.

Trong khung cảnh núi rừng Nam Nâm Nung hùng vĩ hôm nay, ít ai ngờ nơi đây trong kháng chiến chống Mỹ lại là một căn cứ cách mạng nổi tiếng. Đến đây khách tham quan sẽ được tận mắt chứng kiến màu xanh ngút ngàn của núi rừng Tây Nguyên, được đắm mình trong những con suối, ngọn thác với dòng nước trong lành, mát mẻ, lúc này hình ảnh lịch sử như sống lại trước mắt du khách một thời hào hùng oanh liệt, di tích nằm lọt vào thảm rừng nguyên sinh, với những cây cổ thụ như ôm ấp và che chở các dấu tích của một thời lịch sử oai hùng. Nơi đây như một quần thể của sự kết hợp hài hòa giữ thiên nhiên và con người, du khách sẽ được hít thở không khí trong lành, tắm và vui đùa trên dòng thác, một khung cảnh hữu tình đầy chất thơ mà thiên nhiên ban tặng cho con người.

Với những lợi thế và ý nghĩa trên đây, Nam Nâm Nung xứng đáng là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cách mạng và là nơi tham quan, du lịch hấp dẫn của du khách gần xa khi đến với Đắk Nông.

3. Hồ Tây (Đăk Nông) - Êm đềm và lãng mãn

Tọa lạc ngay trung tâm của huyện Đắk Mil, tỉnh Đăk Nông, hồ Tây rộng lớn như một chiếc gương soi khổng lồ cho trung tâm thị trấn huyện. Hồ Tây có một vẻ đẹp kiều diễm của những thiếu nữ xinh đẹp đang bước vào tuổi xuân thì, không kiêu xa nhưng đằm thắm, mặn mà.



Nếu đặt chân đến đây lần đầu tiên, chắc chắn bạn sẽ ngạc nhiên khi tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên đã ban tặng cho Đắk Nông nói chung và huyện Đắk Mil nói riêng.

Hồ Tây có diện tích rộng khoảng 40ha, đây là lòng hồ chứa nước lớn để cung cấp cho việc tưới tiêu của huyện Đắk Mil và cũng là nơi nhận chứa dung lượng nước từ các dốc cao đổ xuống với khối lượng lớn khi mùa mưa về. Hồ Tây mang trong mình sự êm đềm và lãng mạn, mặt nước bằng phẳng, trong xanh in bóng bầu trời cao rộng phía trên, chỉ đôi khi có những làn gió mạnh vô tình lướt qua mới làm cho mặt nước lăn tăn gợn sóng, trông rất đẹp và hiền hòa.

Xung quanh hồ Tây là những vườn cây xanh tươi tỏa bóng do người dân quen khu vực trồng và chăm sóc. Dạo quanh hồ Tây để ngắm cảnh đẹp, bạn sẽ được hòa mình giữa thiên nhiên bao la và hít thở không khí trong lành, dễ chịu.

4. Về thăm vẻ đẹp hoang sơ của thác Đăk G’Lun


Đến Đắk Nông để tham quan, nghỉ dưỡng sau những ngày bộn bề công việc mà bạn chưa đi thăm điểm du lịch thác Đắk G’Lun thì quả là đáng tiếc.


Nằm trên địa phận xã Đắk R’Til, huyện Tuy Đức, cách trung tâm thị xã Gia Nghĩa 60km, thác Đắk G’Lun tuyệt đẹp tung mình ở độ cao hơn 50m rồi được tẽ thành hai dòng nước treo lơ lững trên vách đá trông rất quyến rũ.

Đến với Đắk G’Lun là đến với cảnh non nước hữu tình, không khí mát mẻ, trong lành, cộng với tiếng chim muông ca hát bạn sẽ có được cảm giác thư giãn, êm đềm. Bên trên dòng thác là những khối đá lớn và bằng phẳng tựa những tấm thảm trải rộng để hai dòng chảy ngày đêm chuyển động không mệt mỏi. Phía dưới chân thác là những mô đá lớn nhỏ nhấp nhô với muôn vàng dáng vẻ, tựa những vũ khúc điệu đàng. Khi mặt trời lên, những bụi nước lóng lánh làm thành những chiếc cầu vồng lúc ẩn lúc hiện.

Thác Đắk G’Lun nằm trong cánh rừng đặc dụng với nhiều loại gỗ quý hiếm. Bao bọc xung quanh thác là các loại cây có tán rộng và những bụi le rừng mát mẻ. Quanh khu vực này hơi nước luôn toả ra trông giống như mưa phùn ở Đà Lạt. Nơi đây còn có những bãi đất rộng và bằng phẳng để du khách cắm trại nghỉ qua đêm, hay để thưởng ngoạn mặt trời lên…Từ nhiều năm nay, dù nằm ở nơi khuất vắng, nhưng với vẻ đẹp hoang sơ và thơ mộng của mình, thác Đắk G’Lun đã cuốn hút biết bao du khách trong vùng đến tham quan.

Nơi đây nếu được đầu tư và xây dựng chắc chắn sẽ không chỉ thu hút du khách trong tỉnh mà sẽ còn thu hút nhiều du khách ở các tỉnh lân cận như Đắk Lắk, Bình Phước, Bình Dương, Tp.Hồ Chí Minh.

5. Thác Ba Tầng


Thuộc huyện Đắk Nông, tỉnh Đắk Nông, cách thị trấn Gia Nghĩa khoảng 8km theo quốc lộ 14 ngược hướng về Buôn Ma Thuột.


Đặc điểm:Quanh thác Ba Tầng có nhiều cây cổ thụ và có bãi đất rộng bằng phẳng, thoáng mát để cho du khách cắm trại, thư giãn khi đến thăm thắng cảnh này.

Người ta gọi là thác Ba Tầng bởi vì khi nước suối chảy đến đây phải qua ba tầng thác mới đến lòng suối nằm ở phía dưới. Ba tầng thác này nằm nối tiếp nhau trong một chiều dài khoảng 40m. Tầng thứ nhất không cao lắm, nước từ các tảng đá rơi xuống lòng thác từ độ cao hơn 1,5m. Cách tầng thác thứ nhất chừng 20m là tầng thác thứ hai. Ở tầng thác này, dòng nước suối xanh trong sau khi len lỏi giữa những tảng đá nằm kề nhau và từ độ cao khoảng 2m đã tràn xuống phía dưới tung bọt trắng xóa. Thác thứ ba là thác lớn nhất và là thác chính của cụm thác Ba Tầng. Ngọn thác chính này cao hơn 20m, ngày đêm ầm ào chảy giữa khung cảnh yên vắng của núi rừng và đổ tràn về hai bên bờ suối. Ở đây dòng suối khá rộng, ven bờ có nhiều lùm cây cao tỏa bóng mát mà du khách có thể ngồi nghỉ ngơi ngắm cảnh dòng nước tuôn trào từ trên cao xuống trong âm vang của tiếng thác reo. Đứng dưới nhìn lên ta thấy hơi nước tỏa bay ra xung quanh như một lớp sương mù bao phủ ngọn thác mải miết reo vang muôn thuở giữa ngàn xanh.

6. Thác Trinh Nữ

Nằm cách trung tâm huyện Cư Jut  khoảng 1km về phía tây và cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 25km về phía tây nam.


Thác Trinh Nữ là một trong những địa điểm thu hút khách thập phương đến đây du ngoạn, ngắm cảnh nhiều nhất.

Trước khi hòa vào dòng Sêrêpôk cuồn cuộn chảy, nhánh sông Krông Nô còn phải vượt qua những dãy đá lởm chởm, xếp chồng lên nhau muôn hình, muôn vẻ. Thế nhưng, lực cản cuối cùng đó đã tạo nên một thắng cảnh thiên nhiên hấp dẫn và có một cái tên vô cùng thơ mộng - Thác Trinh Nữ.

Tương truyền, sở dĩ ngọn thác có cái tên đầy quyến rũ này là do bắt đầu từ một câu chuyện khá buồn: Một cô gái đang tuổi xuân thì, do trắc trở chuyện tình duyên đã tìm đến ngọn thác và quyết định gửi thân vào dòng nước bạc trắng xóa để quên đi nổi đau khổ. Và như để tỏ lòng trắc ẩn, cảm thương cô gái xấu số kia, cái tên Trinh Nữ đã được người đời đặt cho ngọn thác.

Theo những con đường uốn lượn, bậc cấp bằng đá, du khách có thể đi dọc theo dòng chảy của thác để ngắm cảnh nước non đang hòa quyện vào nhau. Khi đôi chân đã mỏi, hay muốn vui chơi ca hát, du khách có thể nghỉ ngơi, quây quần thoải mái dưới những chiếc chòi mái lá xinh xắn trong một khung cảnh chỉ có riêng mình với thiên nhiên. Du khách muốn lưu lại để ngắm cảnh của núi rừng, thác nước về đêm ư? Cũng không khó khăn gì, đã có những căn hộ nho nhỏ mang dáng dấp ngôi nhà của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên dựng bên cạnh thác sẽ giúp du khách thỏa mãn ý tưởng đầy thi vị đó. Vâng, từ thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng Tây Nguyên cho đến lòng mến khách của con người, tất cả luôn sẵn sàng chào đón để du khách có những giây phút thư giãn thoải mái nhất.

7. Thác Dray Sáp


Thác Dray Sáp là thác hạ nguồn trong hệ thống 3 thác Gia Long - Dray Nur - Dray Sáp của sông Sêrêpôk, tỉnh Đắk Nông, cách thành phố Buôn Ma Thuột 30km. (Xem tìm hiểu về Thác Dray Nur)

Đặc điểm: Thác cao 20m nhưng trải rộng khoảng 100m. Theo tiếng Ê Đê, Dray Sáp nghĩa là thác khói.
Bởi lẽ dòng nước từ trên cao đổ xuống thung lũng ào ào tạo thành khối lớn, bụi nước bay là là như màu khói. Quanh năm suốt tháng cả một vùng vang vọng tiếng thác và ngập trong khói nước.

Thác Dray Sáp là một thắng cảnh đẹp nhờ sự kết hợp giữa hai dòng sông Krông Nô và Krông A Na mà người Ê Đê và người M'Nông gọi là sông Chồng, sông Vợ gặp nhau mà thành. Tình yêu của họ mạnh mẽ như dòng thác, đẹp đẽ như sắc cầu vồng ẩn hiện trong làn sương khói nước. Dray Sáp như một bức thành nước khổng lồ, hùng tráng giữa một vùng hoa nước long lanh.


8. Hồ Ea Snô 

Hồ Ea Snô là một hồ nước tự nhiên có phong cảnh sơn thuỷ hữu tình còn hoang sơ toạ lạc trên vùng đất thuộc xã Đắk Rồ, huyện Krông Nô, tỉnh Đăk Nông. Hồ nằm cách thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đăk Nông 125 km về hướng đi thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk. Thắng cảnh được thiên nhiên hào phóng ban tặng này luôn gắn liền với những truyền thuyết dân gian, với tâm tư tình cảm, phong tục tập quán, và cả những tập tục của cư dân cư nơi đây.





Hồ Ea Snô là một thắng cảnh thiên nhiên kỳ thú có diện tích mặt hồ hơn 80 hecta. Đứng trên đỉnh đèo nhìn xuống, mặt hồ tựa chiếc gương bạc khổng lồ lấp lánh, được viền quanh bởi dải hoa văn là những ngọn đồi nhấp nhô, lại được điểm tô bởi màu xanh của núi rừng hùng vĩ. Xung quanh bờ hồ là những cánh rừng đặc dụng với nhiều loại cây, loài thú hiếm: rắn, ba ba, khỉ, nai, heo rừng...

Khi đến đây, bạn sẽ được du thuyền trên mặt hồ để thưởng lãm cảnh đẹp hoang sơ của núi rừng, thả hồn theo làn gió mát rượi để xua tan những lo toan, vướng bận. Ngoài ra, bạn cũng có thể du thuyền từ cửa hồ này ra sông Krông Nô rồi xuôi về bên trái để xuống thác Dray Sap, hay ngược dòng để lên buôn Choah thăm quê hương của tù trưởng Nơ Trang Gưh. Thú vị hơn, bạn có thể theo dòng Krông Nô qua dòng Krông Ana để về hồ Lăk hay đến vùng Ea Rbine. Ngoài việc du ngoạn cảnh hồ, du khách còn có thể tham quan các buôn làng: buôn Ol, buôn Choah, buôn Leng - nơi lưu giữ nhiều truyền thuyết về Ea Snô. 


9. Ngục Đắk Mil


Ngục Đắk Mil: Nằm dọc theo quốc lộ 14, cách trung tâm thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đăk Nông khoảng 60 km, ngục Đăk Mil nằm trong địa phận huyện Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông là di tích lịch sử oai hùng còn mang đậm dấu ấn của thời gian.

Năm 1941, đứng trước làn sóng đấu tranh mạnh mẽ của quân và dân ta, người Pháp cho xây dựng ngục Đăk Mil để làm nơi giam cầm, đầy ải những chiến sĩ cách mạng. Ngục gần như nằm tách biệt với thế giới bên ngoài, chỉ có ai day sàn gỗ làm nơi trú ngụ cho tù nhân, xung quanh được bao bọc bởi hàng rào gỗ và dây kẽm gai kiên cố. Trong điều kiện sinh hoạt hết sức khắc nghiệt, hàng ngày lại phải đối mặt với xiềng xích, gông cùm, chế độ lao dịch nặng nề... nhưng các chiến sĩ cách mạng vẫn kiên định lý tưởng đấu tranh.
Ngục Đăk Mil đã từng lưu dấu chân những chiến sĩ cách mạng ưu tú như: Nguyễn Chí Thanh, Trần Hữu Dực, Nguyễn Tạo, Lê Nam Thắng... sau này làm nên lịch sử bằng những chiến công vang dội khắp Tây Nguyên.

Dấu tích của ngục Đăk Mil xưa nay chỉ còn lại cái nền, và tỉnh đang tôn tạo phục hồi lại như thuở ban đầu để ghi nhớ cho các thế hệ sau. Mời du khách hãy một lần đến ngục Đăk Mil để cảm nhận khí thế đấu tranh hào hùng, bất khuất của thế hệ cha anh ngày trước.

10. Làng văn hóa đồng bào dân tộc Mnong

Làng Văn Hoá Đồng Bào Dân Tộc Mnông: Từ thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đăk Nông dọc theo quốc lộ 14 hướng đi thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk khoảng 28 km, rẽ trái khoảng 12 km bạn sẽ đến làng văn hóa đồng bào dân tộc Mnông, một trong những làng còn lưu giữ nhiều nét văn hóa độc đáo, đặc biệt là các tác phẩm sử thi, trường ca...


Làng văn hóa đồng bào Mnông có khoảng 1.500 hộ dân, trong đó bon Bu Prâng là bon tiêu biểu còn lưu giữ được hơn 200 pho sử thi Mnông - Ot Nrong có tính hệ thống cao và có giá trị nhân văn lớn (bộ sử thi phổ hệ). Đặc biệt, trong bon Bu Prâng có gia đình nghệ nhân Điểu Kâu đã nghiên cứu, sưu tầm, biên dịch và lưu giữ hàng trăm bộ sử thi Ot Nrong của vùng này. Cách thể hiện các bài Ot Nrong là hát, hát trong lúc lên rẫy, hát bên bếp lửa hồng, trong các ngày lễ hội mọi người cùng quây quần bên ché rượu cần cùng với tiếng chiêng rộn rã... Có thể nói rằng, thông qua ngôn ngữ truyền miệng, hát Ot Nrong thể hiện sự đoàn kết trong gia đình và xã hội, gắn liền truyền thống giáo dục từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đồng thời nó còn là món ăn tinh thần không thể thiếu được của đồng bào Mnông sau những ngày lao động vất vả...

Đến thăm bon Bu Prâng, du khách không thể không ghé thăm khu nhà mồ của đồng bào Mnông. Đây là một trong những nét kiến trúc truyền thống, văn hoá tín ngưỡng của đồng bào trong quá trình hình thành và phát triển. Nhà mồ là nơi hội tụ của nhiều nền văn hóa thể hiện qua các mô típ, dáng dấp riêng của từng dân tộc. Kiến trúc nhà mồ mang tính đặc trưng ở nghệ thuật trang trí, hình tượng, văn hoa chạm trổ khá công phu trên chất liệu gỗ, đến kiến trúc nhà mang hình khối có trang trí các búp sen bằng chất liệu kết dính theo văn hóa Tây Nguyên. Ngoài ra, các lễ hội trong buôn thường được tổ chức vào tháng 3 hàng năm với các hoạt động: lễ mừng được mùa, lễ cúng sức khoẻ cho người, lễ cúng sức khoẻ cho voi, lễ hội ăn trâu, lễ cơm mới...

11. Khu di tích lịch sử anh hùng ntrang lơng

Khu di tích lịch sử anh hùng dân tộc Mnông Ntrang Lơng nằm trên địa bàn huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông vừa được bộ văn hóa - thể thao và du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Hiện nay, tỉnh Đắk Nông đang xây dựng dự án phục dựng di tích này gồm các hạng mục như: nhà bảo tàng trưng bày những hiện vật, hình ảnh của nghĩa quân và cuộc kháng chiến; di tích đồn Bu Mêra, bia “tưởng niệm” Henry Maitre do thực dân Pháp xây dựng năm 1935 tại ngã ba biên giới: Nam Kỳ, Cao Miên và cao nguyên Trung phần; làng Bu Nơr - quê hương của nghĩa quân, cũng là nơi Henry Maitre bị nghĩa quân tiêu diệt vào năm 1914.

12. Chùa Pháp Hoa


Chùa Pháp Hoa nằm ngay ở thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đăk Nông. Chùa được xây dựng vào năm 1957 với hai phần: chính điện và tháp năm tầng, cao khoảng 2 mét, kiến trúc ngôi chùa được mô phỏng theo kiểu kiến trúc nhà sàn Tây Nguyên, đồng thời xen lẫn với kiến trúc nhà vườn, tạo nên khung cảnh thanh tịnh.

Được xây dựng trên một ngọn đồi, cổng chính của chùa quay về hướng Đông Nam nhìn ra đường Hùng Vương, phía trước mặt là thung lũng. Khi đúng trên khuôn viên chùa nhìn xuống, bạn sẽ được chiêm ngưỡng một phong cảnh tuyệt đẹp với những dãy núi đồi nhấp nhô nối tiếp nhau, cây cối xanh tươi chập chùng.

Vào bên trong, bạn có thể chiêm ngưỡng pho tượng Quan Âm Bồ Tát toạ lạc trong một khoảng không rộng rãi, được che phủ bởi hai cây phượng lâu năm. Chính điện chính của chùa có diện tích 160 m2, bên cạnh là ngôi tháp hình tròn có năm tầng.

Ngoài ra, trong khuôn viên chùa còn được trang trí nhiều chậu cảnh và nhiều loại hoa khác nhau, được sắp xếp hài hòa tạo cảm giác thanh tịnh và yên tĩnh.

>> Một số thắng cảnh tại Đắk Lắk - Tây Nguyên
>> Thắng cảnh du lịch Gia Lai - Tây Nguyên
>> Du lịch Tây Nguyên đến với Kon Tum