Thứ Tư, 10 tháng 8, 2011

Du lịch cà phê - khám phá về thác Dray Nur

Lâu nay nhiều người vẫn cho rằng, du lịch Đắk Lắk chỉ mạnh về văn hoá, sinh thái và voi... nhưng mới đây, tôi lại phát hiện ra du lịch Đắk Lắk còn có nhiều điều thú vị hơn, hấp dẫn hơn đó là khám phá hang động và tìm kiếm cảm giác mạnh trong lòng ngọn thác hùng vĩ nhất Tây Nguyên - thác Dray Nur; không những thế khi đến đây bạn còn được “massage nước”.


Thác Dray Nur là thác trung nguồn nằm trong hệ thống ba thác: Gia Long - Dray Nur - Dray Sáp của sông Sêrêpôk, tỉnh Đắk Nông.

Cách TP. Buôn Ma Thuột gần 30 km theo hướng về TP. HCM, thác Dray Nur khiến du khách ngỡ ngàng về "bức tường nước" cao 30m, dài gần 200m, nối 2 tỉnh Đăk Nông và Đắc Lắk.

Từ độ cao hơn 30m, dòng nước đổ xuống vực sâu tạo nên bức tranh hùng vĩ và huyền bí như truyền thuyết về sự ra đời của thác.


Thác Dray Nur gắn với hai truyền thuyết khác nhau, với hai cách giải thích tên khác nhau. Với giải thích Dray Nur - nghĩa là thác cái, thác vợ - thác gắn liền với mối tình “Romeo và Juliet” của núi rừng. Chuyện kể rằng, ngày xưa có một đôi trai gái của hai bản khác nhau yêu nhau tha thiết nhưng do hai bản có xung đột với nhau nên tìm đủ mọi cách ngăn cấm. Không nhận được sự cảm thông của dân làng, không thể hòa giải xung đột giữa hai bản, vào một đêm trăng, cả hai đã nhảy xuống sông để trọn đời bên nhau. Tức giận vì sự ích kỷ của dân làng dẫn đến quyết định sai lầm của đôi trẻ, trời nổi cơn giông bão, nước cuồn cuộn dâng cao, chia sông thành hai nhánh, ngăn cách đường đi của 2 dòng tộc.

Truyền thuyết khác lại bắt nguồn từ hang động phía sau thác, nơi được cho là nơi ở của vua thủy tề. Ngày xưa vua Thủy Tề có một đứa con trai tên là Nur, chàng hoàng tử rất khôi ngô tuấn tú và rất thích chu du ngắm cảnh. Một ngày nọ, chàng gặp 2 nàng công chúa, con của vị vua vùng đất mình ngang qua. Hai nàng rất xinh đẹp nhưng do vua cha mất sớm nên cuộc sống trở nên nghèo khó, phải đào củ mài mà ăn. Thương hai nàng vất vả, chàng theo nàng về nhà, làm phép để thạp gạo trong nhà đầy tràn, và sống hạnh phúc cùng hai nàng.

Một thời gian sau, chàng nhớ vua cha, muốn về thủy cung thăm người. Nhưng công chúa, vợ chàng lo sợ nếu chồng đi thì sẽ rất lâu, thậm chí không trở về nên tìm đủ mọi cách giữ chàng, một bước không rời. Không còn cách nào khác, chàng đành hóa thân thành con dũi vàng, vượt màn nước vào động thăm cha. Người vợ cứ đứng đợi bên ngoài, đợi mãi, đợi mãi vẫn không thấy Nur trở lại. Từ đó, người dân nơi đây gọi ngọn thác này là Dray Nur, nghĩa là thác con dũi vàng.

Hai truyền thuyết khác nhau nhưng những dòng nước lao từ những vách đá thẳng đứng, vỡ ra từng giọt, tung tóe vào nhau, xô đẩy nhau của thác lại giống nhau ở một điểm, đó là tựa như những giọt nước mắt khóc kẻ ở người đi.

Đến với Dray Nur, cảm giác đầu tiên đến với bạn sẽ là một ngọn thác thật hùng vĩ. Bọt tung trắng xóa, hơi nước ngập tràn khiến quang cảnh xung quanh thác còn nên thơ. Nhưng hấp dẫn nhất không phải việc chiêm ngưỡng thác mà là khám phá, tìm kiếm cảm giác mạnh trong hang động rộng gần 3.000m2 phía sau thác.

Nhìn màn nước mạnh mẽ, ào ạt lao từ độ cao vài chục mét xuống, không ít người rùng mình, song hầu hết đều muốn trải qua cảm giác phiêu lưu khi lao thẳng người qua màn nước, cảm nhận cái rát của nước khi dội vào đầu, vào vai. Cảm giác từ một nơi trán ngập ánh sáng, chìm trong bóng tối của hang động. Độ an toàn của việc lao vào màn nước được đảm bảo khá cao với những chiếc áo phao cho du khách mặc vào người và những tay bơi chuyên nghiệp được bố trí gần đó.

Khi đứng từ bên trong nhìn ra. Tường nước dài bao bọc phía trước, ánh sáng nhập nhoạng soi những tảng đá hình thù kỳ dị tưởng như là hóa thân của tướng tôm, tướng cá. Ánh sáng lung linh bảy màu của màn nước khi ánh đèn pin rọi vào khiến du khách có cảm giác mình đứng dưới cung diện của vua Thuỷ Tề, nơi mà chỉ vài phút trước, những buổi chầu của Long Vương diễn ra uy nghiêm.

Sau khi hưởng trọn những cảm giác mạnh trong lòng ngọn thác hùng vĩ này, bạn có thể thưởng thức những món ăn dân dã, mang đậm bản sắc ẩm thực của các dân tộc Tây Nguyên với các loại cá đặc sản của sông Sêrêpốk như cá lăn, cá bống đá, cá trắng, ếch cuốn lá lục vừng...







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét